Phản biện những chỉ trích nhắm vào Bitcoin #4
- Bitcoin sẽ bị thay thế bởi một đối thủ cạnh tranh
Bitcoin chấp nhận các đánh đổi để có được các đặc tính cốt lõi mà thị trường cho là có giá trị. Trong khi mã nguồn mở của Bitcoin có thể bị sao chép, cộng đồng và hiệu ứng mạng lưới của nó thì không thể bị sao chép.
Nhiều loại tài sản kỹ thuật số đã nổi lên và tuyên bố là hoàn thiện hơn Bitcoin. Tuy nhiên, cho đến hôm nay, chưa có một trường hợp nào có thể đạt được hiệu ứng mạng lưới như Bitcoin cả. Bitcoin có những phẩm chất làm nên giá trị của nó, và cần phải có những đánh đổi rõ ràng mới mang lại được những phẩm chất đó, như đã phân tích phía trên. Việc các đối thủ cạnh tranh cố gắng để cải thiện những giới hạn của Bitcoin (ví dụ như khả năng xử lý giới hạn trên lớp cơ sở, sự biến động), luôn phải đi kèm với cái giá phải trả là hy sinh những đặc tính cốt lõi làm nên giá trị cho Bitcoin (sự khan hiếm tuyệt đối, sự phi tập trung, sự bất biến). Điều này giải thích tại sao Bitcoin tiếp tục thống trị thị trường trên các phương diện như vốn hoá thị trường, nhà đầu tư, người dùng, thợ đào, node xác thực cũng như cơ sở hạ tầng và các sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng nhỏ lẻ và khách hàng tổ chức. Như dưới biểu đồ dưới đây, vốn hoá thị trường của Bitcoin lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ tài sản số nào khác và chiếm tới hơn 50% tổng vốn hoá của toàn thị trường.
Trong khi phần mềm Bitcoin là mã nguồn mở, nó có thể bị sao chép và thêm vào đó những “cải tiến”, cộng đồng của nó (người dùng, thợ đào, node xác thực, đội ngũ lập trình viên, các nhà cung cấp dịch vụ) và hiệu ứng mạng lưới của nó không thể bị sao chép một cách dễ dàng.
Chỉ trích #5: Bitcoin không được hỗ trợ / chống lưng bởi bất kỳ cái gì cả.
Bitcoin không được hỗ trợ bởi dòng tiền, ứng dụng trong công nghiệp hoặc quy định pháp luật. Bitcoin được hỗ trợ bởi mã lập trình và được đưa vào cuộc sống nhờ cộng đồng những người tin tưởng sở hữu, sử dụng, vận hành phần mềm đó, như là một dạng khế ước xã hội. Trong “What is an Asset Class, Anyway?” (Journal of Portfolio Management, 1977), Robert Greer xác định ba “siêu lớp” tài sản - tài sản vốn, tài sản tiêu dùng / biến đổi (C/T) và tài sản lưu trữ giá trị (SOV).
Greer đã đặt vàng vào nhóm SOV, đây là nhóm bao gồm các tài sản “không thể bị tiêu dùng và cũng không thể tạo ra thu nhập. Nhưng chúng có giá trị”. Tuy nhiên, vàng cũng có những đặc tính của nhóm C/T do nó có thể được sử dụng trong ngành trang sức và công nghệ (điện từ và nha khoa), điều này dẫn tới ý tưởng cho rằng vàng được hỗ trợ / chống lưng bởi tính hữu dụng của nó trong ngành trang sức và các ứng dụng công nghiệp. Tuy nhiên, trang sức vàng có thể được xem như là một phương tiện thay thế cho việc lưu trữ giá trị và nó được dùng như một dạng “dự trữ tiền tệ cá nhân”, và chỉ có một phần rất nhỏ vàng được sử dụng trong các ứng dụng công nghiệp (chỉ 7% nhu cầu về vàng của năm 2019 là đến từ các ứng dụng công nghiệp như điện tử và nha khoa).
Robert Greer cũng phân loại tiền pháp định vào nhóm SOV. Tiền pháp định tồn tại nhờ luật pháp. Tiền pháp định được hỗ trợ hoàn toàn bởi niềm tin đặt vào chính phủ phát hành ra nó. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, niềm tin đó đã đặt nhầm chỗ, bởi một số ngân hàng trung ương và chính phủ rất yếu kém trong việc quản lý tiền tệ (ví dụ như Vê-nê-duê-a hay Li Băng). Một số ngân hàng trung ương và chính phủ đã vắt kiệt các chính sách tiền tệ và tài khoá, dẫn tới sức mua đồng tiền của họ bị mất giá đáng kể theo thời gian.
Dựa trên định nghĩa của Greer, bitcoin phù hợp với nhóm SOV. Bitcoin không được hỗ trợ bởi dòng tiền, hay ứng dụng công nghiệp hay là pháp luật. Bitcoin được hỗ trợ bởi mã lập trình được mang ra cuộc sống, được vận hành và duy trì bởi một khế ước xã hội tồn tại trong cộng đồng:
- Người dùng, những người giao dịch trên mạng lưới Bitcoin.
- Thợ đào, những người đầu tư nguồn lực để xử lý các giao dịch và bảo vệ mạng lưới.
- Node, những người chạy phần mềm Bitcoin để xác thực các giao dịch.
- Lập trình viên, những người duy trì và phát triển mã nguồn của Bitcoin.
- Người nắm giữ, những người lưu trữ một phần tài sản của mình trong bitcoin.
Cộng đồng Bitcoin thực hiện những điều trên để đưa những đặc tính độc nhất của Bitcoin đến với cuộc sống, đó là sự khan hiếm tuyệt đối, giao dịch không thể bị đảo ngược, khả năng chống kiểm duyệt, chống lại sự chiếm đoạt. Hiệu ứng mạng lưới của Bitcoin, hoặc sự tham gia của bất kỳ người mới nào vào cộng đồng sẽ giúp cho bitcoin ngày càng trở nên vững chắc hơn nữa và củng cố thêm các đặc tính độc nhất trên, quay trở lại tiếp tục thu hút thêm sự tham gia mới vào loại tài sản này, và cứ tiếp tục như vậy. Mã nguồn của Bitcoin chính là quy tắc, nhưng sự thực thi và chấp hành những quy tắc đó bởi cộng đồng đã vun đắp nên một hệ thống lưu trữ và dịch chuyển giá trị toàn cầu, mở và bảo mật như ngày hôm nay.
Duy Tùng, Coin98 Insights
Dịch và trích từ Revisiting Persistent Bitcoin Criticisms - Fidelity Digital Assets Research - Nov 2023.