Đây có thể là chu kỳ cuối của thị trường
Naval Ravikant, doanh nhân và nhà đầu tư tiếng tăm người Mỹ, gần đây đã viết rằng: Đây có thể là chu kỳ cuối của thị trường.
Cụ thể, sự xuất hiện của các tổ chức và quỹ ETF trong crypto có khả năng phá vỡ những đợt tăng giá theo chu kỳ vốn theo sau Bitcoin halving.
Thị trường đang nóng lòng chờ đợi sự kiện halving sắp tới - vốn được xem là khúc dạo đầu cho một đợt bull run. Bitcoin đạt cột mốc ATH mới và kéo theo sau là sự tăng giá của các altcoin: đây dường như là "công thức" cho những gì đã diễn ra trong quá khứ.
Tuy nhiên, ngoài khía cạnh giá, đợt halving lần này có thể tạo ảnh hưởng sâu rộng hơn đến thị trường. Một trong những tác động lớn nhất là khả năng đặt dấu chấm hết cho chu kỳ tăng/giảm kéo dài 4 năm của crypto. Và điều này sẽ thay đổi cách các nhà giao dịch và cả các dự án/công ty crypto tiếp cận và tương tác với thị trường, theo CoinDesk.
Sự gia tăng vị thế của Bitcoin
Ngày 13/3, Bitcoin đạt mốc ATH mới trên 73,000 USD. Điều này diễn ra trước thềm halving khoảng một tháng và khiến hành vi của Bitcoin trở nên "khó lường", bởi đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thị trường.
Nguyên nhân cho cú tăng giá "khác thường" của Bitcoin có thể quy cho việc các quỹ ETF Bitcoin giao ngay ở Mỹ được chấp thuận. Đi kèm với đó là sự xuất hiện của những "ông trùm" tài chính lớn truyền thống trong không gian crypto, như BlackRock hay VanEck. Ngoài ra, những đồn đoán xung quanh sự kiện halving sắp tới cũng là một nhân tố góp phần đẩy giá Bitcoin.
Dòng tích lũy Bitcoin ETF giao ngay (tính bằng triệu USD). Nguồn: farside.co.uk
Việc các tổ chức bước vào không gian này ngầm thừa nhận tính hợp pháp của crypto. Nó không còn được xem là loại tài sản chỉ dành riêng cho một nhóm ngách hay phương tiện của giới tội phạm. Hưởng lợi hơn có lẽ là các nhà đầu tư cá nhân - những người giờ đây có thể mua Bitcoin mà không cần bận tâm đến các rắc rối đi kèm từ việc trực tiếp sở hữu đồng tiền này.
Các quỹ ETF Bitcoin với sự "chống lưng" của các ông lớn khả năng sẽ tiếp tục thu hút thêm nhà đầu tư và đẩy giá Bitcoin lên cao hơn nữa. Bởi những ông lớn này đang đổ vào thị trường một dòng vốn khổng lồ - điển hình vào ngày 12/3, con số này là 1.045 tỷ USD.
Tuy nhiên, dòng vốn tổ chức này cũng có khả năng phá vỡ hành vi mang tính chu kỳ của Bitcoin: tăng/giảm giá sau mỗi 4 năm xoay quanh sự kiện halving. Nếu dự đoán này trở thành sự thật, có thể nói toàn bộ thị trường sẽ bước vào một kỷ nguyên mới với những đổi mới trên nhiều lĩnh vực.
Dòng vốn vào hàng ngày được lưu trữ trên mạng Bitcoin vượt quá 2 tỷ USD. Nguồn: Willy Woo
Đọc thêm: 3 yếu tố ảnh hưởng tới Bitcoin sau ngày Halving 2024
Những nhân tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Bitcoin
Theo CoinDesk, tồn tại những yếu tố khác có thể phá vỡ quỹ đạo giá của Bitcoin. Một trong số đó là ngành khai thác Bitcoin. Sau halving, khả năng nhiều máy đào ASIC sẽ bị loại bỏ vì không còn sinh lợi khi phần thưởng block bị cắt giảm một nửa.
Các công ty khai thác sẽ đối mặt với tình trạng lợi nhuận thu được thấp trong khi chi phí vận hành lại quá cao. Và lúc mấp mé bên bờ vực phá sản họ không có nhiều lựa chọn ngoài việc bán Bitcoin để trang trải. Điều này tất nhiên sẽ phản ánh vào giá của Bitcoin. Dù đây chỉ là một mối lo ngại trong ngắn hạn nhưng không phải không quan trọng.
Một mối lo ngại ngắn hạn khác nằm ở ngành khai thác Bitcoin. Ảnh: Forbes
Yếu tố thứ hai là chính trị. Tuy Mỹ thể hiện mình đang "hụt hơi" trong việc đưa ra các chính sách để điều chỉnh crypto, nhưng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ trong năm nay vẫn nhiều khả năng tạo ra các thay đổi khó lường về mặt quy định. Cụ thể, dù là ứng viên của Đảng Cộng hoà hay Đảng Dân chủ đắc cử, họ sẽ có những lập trường khác nhau về crypto.
Một nhân tố khác đã tồn tại dai dẳng từ sau đợt dịch Covid chính là lạm phát và sự tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư bớt hăng hái với các khoản đầu tư mang tính đầu cơ.
Chu kỳ thị trường đã đi đến hồi kết?
Dường như các quỹ ETF đang nổi lên như chất xúc tác chính cho việc áp dụng rộng rãi crypto. Và nó có khả năng gợi ý một quỹ đạo tăng trưởng tương đối ổn định hơn, không còn là những cú "tàu lượn" siêu tốc chu kỳ 4 năm dường như vốn gắn liền với halving.
Các quỹ ETF với những chuyên gia tài chính giàu kinh nghiệm trong việc "mua đáy" giờ đây đã trở thành trợ thủ đắc lực cho các tổ chức và nhà đầu tư muốn có phần trong "miếng bánh" Bitcoin. Chỉ riêng điều này đã có thể làm giảm hiệu quả của halving trong vai trò động lực thúc đẩy thị trường tăng giá.
Daniel Polotsky của CoinFlip cho biết: “Có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy thị trường đang trên đà một đợt tăng trưởng chưa từng có tiền lệ và có thể là cả một thay đổi cơ bản về mô hình. Dù buồn vui lẫn lộn nhưng giai đoạn sắp tới có thể được xem là hồi kết cho buổi sơ khai của crypto, đánh dấu một bước phát triển đáng kể trong lịch sử của nó".
Mặc dù buồn vui lẫn lộn nhưng giai đoạn sắp tới có thể được xem là hồi kết cho buổi sơ khai của crypto, đánh dấu một bước phát triển đáng kể trong lịch sử của nó.
Daniel Polotsky của CoinFlip
Sự thay đổi này - với crypto nghiêng hơn về phía các tổ chức - có thể khơi mào cho những phát triển mới. Cụ thể là việc ứng dụng rộng rãi crypto ở cấp độ quốc gia. Các nước trên thế giới có thể theo chân El Salvador và bắt đầu cuộc đua tích lũy Bitcoin và giúp củng cố vững chắc thêm vị thế của thị trường.
Ngoài ra, việc thị trường bứt mình khỏi chu kỳ tăng-giảm giá kéo dài bốn năm có thể là một điều tốt cho các dự án và công ty crypto. Thông thường, họ phải tính toán chu kỳ thị trường để đưa ra phương hướng hoạt động phù hợp. Và mùa đông crypto khắc nghiệt chắc chắn đã "vùi lấp" không ít dự án. Giờ đây, khi thị trường có một quỹ đạo tương đối ổn định hơn, các công ty có thể tập trung vào phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trước sự thay đổi này, có lẽ các nhà giao dịch sẽ không khỏi thất vọng. Những cơn sốt tăng giá tính trên đơn vị ngày trong mùa bull run có lẽ là thứ nhiều người trông đợi trải nghiệm. Nhưng sự kết thúc của chu kỳ thị trường dài 4 năm nhiều khả năng sẽ đặt dấu chấm hết cho điều này. Đổi lại, họ cũng sẽ ít bị rơi vào trường hợp không mấy vui vẻ là "mua đỉnh và bán đáy" theo các con sóng của thị trường.
Nhưng sự xuất hiện của các tổ chức trong crypto không phải không có điều bất lợi. Thị trường rất có khả năng rơi vào tầm chi phối của một nhóm nhỏ đại diện cho "phe mua" quyền lực. Điều này đi ngược lại tinh thần phi tập trung vốn là cột trụ của crypto.
Tuy nhiên, tất cả những phỏng đoán đến giờ này cũng chỉ là phỏng đoán. Chúng ta chỉ có thể đợi đến halving và xem thật sự chu kỳ của thị trường đã đến hồi cáo chung hay chưa.