Đường xưa mây trắng: Khi trí tuệ và từ bi mở lối cho lý tưởng

ifQH...7sYc
6 Apr 2024
11

Gấp lại cuốn sách và bạn sẽ cảm thấy tình yêu mến dành cho Đức Phật dường như được mở rộng ra nhiều. Tình yêu mến đó không bắt nguồn từ lòng ngưỡng mộ, lòng tôn kính dành cho bậc vĩ nhân ta thường thấy, mà từ “cái thấy” của ta dành cho Đức Phật, thấy Người cũng tồn tại trong ta, thấy hình như Người đã nói lên những gì mà ta đã trải qua và trăn trở, thấy Người thật hiểu ta quá.
Như mọi khi, hãy thở ba hơi thở, buông bỏ hết những kiến thức về Phật Giáo mà mình đã tiếp nạp, rồi đón nhận “cơn mưa pháp” giàu tình thương và chân lý, và tiến bộ thông qua hành trình ngược về 2,600 năm trước: nối gót bước chân của người đã làm thay đổi thế giới mãi về sau.
Dành cho những ai đã biết, đã đem lòng kính trọng Đức Phật, đây là cuốn sách để bạn yêu thương Người theo một cách khác: Người sẽ là Bụt, là người thầy, người nghệ sĩ, người cha, người anh em, và là người bạn. Một người bình thường có tính cách, có sức khỏe, có tư duy như bao người bình thường khác. Một người làm nên điều kỳ diệu không cần phép thần thông, cũng không có hào quang tỏa chiếu. Và mình cũng thấy mình làm được những điều kỳ diệu đó. 
Dành cho những ai chỉ mới nghe danh mà chưa tìm hiểu, đây là cuốn sách để bạn tiếp cận với nguồn gốc của Phật Giáo – Đạo Phật nguyên thủy, với triết lý căn bản của Đạo Bụt được Sư Ông truyền đạt cặn kẽ và dễ hiểu. Và bạn sẽ tìm được thêm cho mình những người bạn mới – Bụt và các đệ tử của Ngài. Rồi bạn sẽ hiểu thêm về các quốc gia tôn giáo, nơi mọi thanh niên đều có thể phát nguyện xuất gia ngay từ khi còn trẻ, khi so sánh với những nước chỉ chấp nhận vào đường đạo sau khi đã qua các đỉnh cao cuộc đời. 
Nếu cần phải phân loại, mình sẽ gọi Đường xưa mây trắng là tiểu thuyết lịch sử. Là thể loại truyện hư cấu dựa trên những điển tích trong cuộc đời Đức Phật. Sư Ông Làng Mai chọn yêu mến Đức Phật như một con người, và vì vậy, xây dựng nhân vật về Người cũng có tính cách, có cảm thọ, có nhiều trăn trở bất an, có sự quyết tâm cũng như gặp những khó khăn phàm tục. Trong Đường xưa mây trắng không có Bồ Tát, không có ngạ quỷ, phạm thiên, không có cõi ta bà hay các nhân vật dùng thần thông như những bài kinh của Đại Thừa. Nhưng điều tuyệt nhất của Sư Ông là đã phác họa nên nhân vật Bụt rất thật, như đã từng được gặp Bụt và sống cùng Người.
“Tôi đã viết những chương của Đường xưa mây trắng với rất nhiều hạnh phúc… Mỗi ngày viết mấy giờ cũng như được ngồi uống trà với đức Thế Tôn.”
Truyện có 81 chương, chương nào cũng được lồng ghép một bài kinh, một pháp môn ra đời khi Bụt còn tại thế. Hoặc một câu chuyện của Bụt thu phục một vị đệ tử mới. Độc giả có thể thuận tiện tra cứu lại tóm tắt và điển tích của các chương này ở phần Mục lục cuối sách.

Ta cũng có thể làm điều tương tự

Đường xưa mây trắng xuất bản lần đầu tiên vào năm 1988, năm đó độc giả Việt đâu đã quan tâm nhiều đến sách kỹ năng, đến những buổi nói chuyện truyền cảm hứng, đến tu thân hay phát triển bản thân. Việc kể lại cuộc đời của Bụt như một người bình thường đem lại lợi lạc không thua gì nhiều chương trình truyền lý tưởng sống cho tuổi trẻ. Bạn sẽ đặt xuống những phép màu, những tôn sùng bậc thánh nhân, mong cầu siêu sanh vào thế giới phương Tây mà chính bạn khó lòng chứng nghiệm trong kiếp sống này. Bạn sẽ cầm lên ba viên ngọc quý gọi là Tam Bảo để xây nền cho con đường mà bạn chọn, cho dù là con đường nào, chỉ cần có từ bi và trí tuệ, bạn vẫn sẽ đi thật tự tin, vững chãi, và thong dong.
Mình thấy thích những lần thay đổi điển tích điển cố khéo léo và hợp lý của Sư Ông nên xin phép chia sẻ một vài câu chuyện dưới đây.

  • Chuyện kể rằng khi ngồi tọa thiền dưới gốc cây vào buổi đêm khuya, nhiều lần Bụt đã bị vây hãm và cám dỗ bởi Diêm Vương và bầy nữ quỷ. Đối với Bụt trong Đường xưa mây trắng, chẳng cần Diêm Vương, chẳng cần ngạ quỷ hiện hình, một chiếc lá rơi và tiếng xào xạc của động vật trong rừng cũng làm Người thót tim. Thần thông của Bụt lúc này là khả năng chiến thắng nỗi sợ hãi và khả năng giữ cái định cho thật lâu, thật đều.
  • Điển tích cho rằng Chư thiên đã xuống khẩn cầu Bụt đừng nhập Niết Bàn ngay mà hãy ở lại hóa độ những gì Ngài biết cho chúng sanh. Vì sau cái đêm giác ngộ dưới cội bồ đề, Ngài nghĩ rằng con đường giải thoát khó như vậy, làm sao chúng sanh có thể lĩnh hội được. Nhưng động lực ban đầu để Ngài quyết rời bỏ cuộc sống vương giả là nhìn thấy cảnh sinh, lão, bệnh, tử của dân chúng. Ngài thấy khổ vì không làm gì được cho người ta hết khổ, vậy sao giác ngộ rồi, Ngài lại phải do dự nhập Niết Bàn hay không? Bụt của tác phẩm đã bắt đầu con đường hoằng pháp ngay sau đêm thành đạo.
  • Có nhiều trong các mối quan hệ, những người đem lại cho ta thọ cảm đặc biệt mỗi khi tiếp xúc. Như mình thích kể chuyện với người này vì họ rất biết cách lắng nghe, hay mình thích thảo luận với người kia vì họ phản biện tốt. Còn cô bé Sujata thì bỗng một hôm lại thấy Bụt có gì đó khác lạ, và nhìn ngài, cô cảm tưởng như mọi nhọc nhằn lo lắng trên cuộc đời này không còn to tát nữa. Cô thấy lòng mình vui như một ngọn gió xuân. Niềm an lạc và thanh tịnh của Bụt, đâu có cần phép màu mới được tỏa chiếu.

“Bụt có rất nhiều trí tuệ, rất nhiều từ bi, tại sao Bụt không dùng mà lại phải dùng thần thông?”

Điều phục cái tôi và chuyển hóa khổ đau

Cái khổ tâm trong đời sống thường ít khi được coi trọng. Người ta đặt mục tiêu, bắt tay vào làm, rồi nhìn tới kết quả, chứ đâu có quán chiếu tâm mình vui buồn ra sao. Vậy mà giai đoạn điều phục thân tâm trước khi khởi sự lại là yếu tố quyết định hành động của mình có xuất phát từ lòng chân thành hay không hoặc dẫn tới kết cục đổ vỡ hay không. Những điều như chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp… là thành quả của việc quán tâm miên mật. Ai hiểu tâm mình, thì người đó điều phục được bất an.
Nhìn Bụt, thấy Bụt lúc nào cũng an vui, thấy cái tình thế cấp bách không giục được thân tâm của Người. Suốt quãng đời hoằng pháp, Người nói đi nói lại với đệ tử về kinh Quán niệm hơi thở và kinh Tứ niệm xứ, chỉ dạy chúng sanh làm sao quay về với hơi thở của họ. Nhiều lần thấy tình thế lao đao, nhưng Người xoay chuyển được.

  • Lần đoàn viên gia đình đầu tiên sau khi thành đạo, Người nắm tay vua cha đi vào hoàng cung. Nỗi nhớ người thân được khỏa lấp thắm đượm khung cảnh. Người là Bụt, là lãnh đạo tăng đoàn, và còn là lãnh đạo tinh thần của nhiều quốc gia, nhưng vai trò đó là của đương thời. Quay về nguồn cội, Bụt vẫn là con trai của vua Suddhodana. Và ấy là đạo hiếu. Lần đầu Người được ôm đứa con Rahula vào lòng, nắm lấy tay cậu bé, nhưng chỉ chịu tiếp vợ Yasodhara tại tu viện, cùng với mẹ mình. Ấy là đạo hạnh. Muốn theo đúng đường đạo, lắm lúc người tu hành phải chịu đối diện lại những gì mà mình đã buông bỏ, để xem những hạt giống trong tâm mình nảy nở như thế nào, đối trị ra làm sao. (chương 34: Mùa xuân đoàn tụ)
  • Lần chia rẽ trong giáo đoàn đầu tiên, vị luật sư kết tội vị kinh sư vô ý không đổ nước trong chậu sau khi sử dụng, chuyện bé teo nhưng không bên nào nhường bên nào. Bụt khuyên can nhiều lần mà không hiệu quả. Bụt lấy bình bát và áo bỏ đi tận một năm bốn tháng liền. Người ta nói Bụt giận, bỏ giáo đoàn. Giới tu tại gia không buồn cúng dường cho chư tăng nữa vì không hòa hợp. Sư ông không giải thích vì sao Bụt bỏ đi, cũng không thêm tình tiết Người hóa giải ngay mối bất hòa. Nhưng Sư ông có miêu tả rất chi tiết sự an lạc mà Bụt lấy lại được sau khi rời khỏi tu viện. Mình nghĩ đôi khi tạm hoãn, đặt xuống, cũng là một phương pháp nuôi dưỡng thân tâm. Mỗi khi có xung đột, đâu nhất thiết phải cùng ngồi lại để ra ngay giải pháp. Bởi vì thân tâm lúc đó có quá nhiều điều phải sàng lọc. (chương 46: Nắm lá simsapa)
  • Bụt sống đến hơn 80 tuổi. Người đã chứng kiến sự ra đi của hầu hết những người thân trong gia đình và các đại đệ tử. Đại đức Rahula, từng là con trai Bụt, viên tịch năm 51 tuổi. Moggallana (Mục Kiều Liên) viên tịch vì bị ám sát, người cuối cùng qua đời trước Bụt là Sariputta (Xá Lợi Phất). Thị giả Ananda cứ mỗi lần như vậy, là đau buồn tiếc thương, buồn vì xa lìa những người anh em đồng tu một đời, thương Bụt vì Người mất đi nhiều đệ tử lớn, giáo đoàn không biết giao lại cho ai quản. Bụt chỉ mặc niệm, không buồn, không đau khổ.
  • Bụt giác ngộ đạo lý giải thoát là nhờ quán chiếu duyên sinh duyên khởi, vô thường vô ngã. Mỗi một người thân qua đời, là một lần thấy lời nói của Người có tác dụng điều phục thân tâm. Quán chiếu đến khi nào những cảm thọ sợ hãi, buồn phiền, tiếc thương không còn nảy nở nữa, thì cũng là lúc mình an nhiên được với thực tại.

Ngôn ngữ của Sư Ông

Sư Ông từng là giáo viên dạy văn nên chất thơ trong từng tác phẩm không lúc nào cạn, cũng như thời đó người ta thích thơ của Xuân Diệu hay văn xuôi của Thạch Lam vậy. Ngồi đọc chương này tới chương nọ, lắm lúc hình dung được bức họa được Sư Ông vẽ bằng ngôn ngữ từ chân tâm, cảm được sự ấm áp và tình thương yêu trong từng câu từ, và chẳng có nhân vật phản diện nào đáng chê trách cả. Chỉ có mọi nhân vật phản chiếu cái ta trong họ, để ta soi rọi những tập khí, để ta tự cho mình cơ hội từ, bi, hỷ, xả với chính mình. Để ta yêu thương người một cách trí tuệ.
“Nắng lên cao, những đám mây trắng nhỏ vẫn còn lơ lửng trên nền trời xanh biếc.
Bờ sông bên kia vẫn xanh mướt cỏ non. Con đường bờ sông này ngày xưa Bụt đã qua lại nhiều lần.
Con đường bờ sông này có thể dẫn về Banarasi, có thể dẫn về thủ đô Savatthi, có thể dẫn về thủ đô Rajagaha, mà cũng có thể dẫn đi khắp chốn.
Bụt đã ghi dấu chân trên mọi nẻo đường hành hóa. Đi đâu đại đức cũng sẽ giẫm lên dấu chân của người.”
Thầy thường đặt tên các chương sách bằng cách trích dẫn văn học Việt Nam như “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” hay “Bao nhiêu tấc đất bấy nhiêu tấc vàng”. Mình gọi đó là một sự Việt hóa cần thiết. Đạo Bụt dành cho vô số đại chúng, tuy vậy, pháp âm của Bụt trước khi gieo vào lòng người thành công, vẫn phải vượt qua nhiều rào cản. Dù truyền bá từ phía Bắc, hay phía Nam, đạo Bụt vẫn nên thuần Việt khi sinh sôi và phát triển tại Việt Nam. Để giới Phật tử Việt có cơ hội được tiếp xúc với giáo pháp thật tự nhiên, thật gần gũi như lời dạy của mẹ, của bà, của ba. Để khi đối trị với cái tâm nhiều tiêu cực, pháp môn cứ vậy mà tràn về, chẳng cần giở lại kinh, chẳng cần đối chiếu lại bản dịch, chẳng cần dò từng từ Hán Việt.

Hiểu Phật Giáo bằng cái tâm không chướng ngại

Bụt thường nói rằng, ngôn từ không thể diễn tả hết giáo lý của Người. Không chỉ riêng gì Phật giáo, ngôn từ cũng không thể truyền đạt tính chân như của mọi sự vật hiện tượng. Chính vì vậy, để lĩnh ngộ một pháp môn, người đọc cần tìm hiểu kỹ bối cảnh và các nhân vật trong truyện. Người đọc phải tạm đặt xuống những quan niệm, lập trường, ý kiến, định kiến cá nhân trước. Gọi là gỡ bỏ rào cản. Gọi là hạnh lắng nghe. Có như vậy, mới nắm được cơ hội thấu hiểu những gì người viết đang cố gắng truyền tải.
Và bạn sẽ đủ kiên nhẫn để giải đáp nhiều điều về Phật Giáo… Như vì sao Người có thể thu hút lực lượng lớn giới vương giả tại Ấn Độ, vì sao ni thỉnh chư tăng về thuyết pháp lại là một giới luật, từ đâu có thuật ngữ Tam Bảo, ý nghĩa của phước điền y, vì sao có mùa an cư, vì sao kinh Vu Lan Báo Hiếu ra đời, vì sao Bụt là được gọi là Bụt, hay vì sao Bụt tự gọi mình là Như Lai.
Và bạn sẽ bắt đầu yêu (hơn) những bài kinh… Đời sống giới tu tại gia loanh quanh trong việc tụng kinh. Nhiều bài kinh lặp đi lặp lại rằng có cơ duyên trì tụng sẽ giúp thiện nam tín nữ tiêu trừ nghiệp chướng, phước đức vô biên. Người đọc không hiểu được dễ cho rằng như vậy là mê tín, là thiếu cơ sở khoa học. Nhưng người tụng kinh từ ngày này sang ngày nọ dễ dàng ngẫm ra rằng, việc đọc một bài kinh trong suốt thời gian dài sẽ làm họ thấu hiểu được triết lý mà bài kinh muốn truyền tải, từ đó có thể nhìn ra con đường đạo, sống đúng với đời, với người. Vậy thì nghiễm nhiên nghiệp chướng tiêu trừ, phước đức tăng trưởng.
Tuy nhiên, hành trì kiểu này đôi khi không hấp dẫn lắm đối với người trẻ. Chúng ta muốn sống chậm, nhưng chúng ta vẫn cần cái gì đó dễ thấu, dễ cảm, và lợi ích của nó thực sự mật thiết với đời sống cá nhân. Nếu bạn đang có nhu cầu này, hãy tìm hiểu các bài kinh thông qua Đường xưa mây trắng.
Những nội dung khó như vô tướng, vô ngã, duyên khởi, phân biệt không sinh không diệt với có sinh có diệt, kinh phạm võng,… sẽ được Sư Ông truyền tải bằng một câu chuyện gồm các lần đối đáp giữa Bụt và các vị đệ tử. Kinh được chuyển từ thơ sang lời nói. Những triết lý khó được lặp đi lặp lại ở nhiều chương theo cách diễn giải đa dạng. Hiểu được bối cảnh, hiểu được nghĩa kinh, thì tinh túy của đạo Bụt nguyên thủy quá dễ thấu và dễ cảm.

“Ngón tay chỉ trăng không phải là mặt trăng”

Đường xưa mây trắng rất thành công. Tác phẩm được dịch sang 20 thứ tiếng, trong đó có tiếng Hindu, bán được 1 triệu bản tại Mỹ và được nhiều người công nhận là tác phẩm hay nhất thế kỷ 20. Nhưng nếu là Bụt, Bụt sẽ chỉ mỉm cười và nói rằng, Đường xưa mây trắng cũng chỉ là một công cụ giúp đại chúng nhìn thấy được lối sống an nhiên, buông bỏ được những cố chấp, chấp kiến, vô minh, để nhìn cuộc sống vận hành như bản chất chân như của nó. Giống như ta đưa ngón tay chỉ mặt trăng, thì người trí tuệ hãy nương theo ngón tay mà nhìn thấy trăng, chứ đừng cứ mãi ngắm nghía bàn tay của người đang giương ra giúp đỡ.

Hết.


Get fast shipping, movies & more with Amazon Prime

Start free trial

Enjoy this blog? Subscribe to Gaotienty

0 Comments